Phương pháp nong mạch vành

Contents

1. Nong mạch vành là gì?

Nong mạch vành còn được gọi là tái tạo động mạch vành bằng bóng qua da, hay nong động mạch vành bằng bóng, là một thủ thuật nhằm làm tăng lượng máu và oxy qua một động mạch vành bị tắc mà không cần phải phẫu thuật. Bác sỹ sẽ dùng một dụng cụ gọi là catheter có trang bị một bóng nhỏ để nong rộng lòng của động mạch bị tắc một phần.

2. Khi nào thì cần nong mạch vành?

Nong mạch vành có thể được sử dụng khi một hay nhiều động mạch vành bị hẹp lòng bởi sự tích tụ dần dần của cholesterol và mô sợi trong lòng động mạch. Thành động mạch sẽ dày lên, gọi là xơ vữa động mạch, có thể dẫn đến đau ngực và đột quỵ tim.

Nong mạch vành là phương pháp điều trị thay thế của phẫu thuật nối mạch vành, một phẫu thuật cần phải mổ lồng ngực. Kỹ thuật nong mạch vành cũng có thể được sử dụng đối với các động mạch bị tắc ở não, cổ, thận, hông, bụng, đùi và cẳng chân.

3. Bệnh nhân cần chuẩn bị những gì trước khi nong mạch vành?

Bác sỹ có thể chỉ định bệnh nhân dùng aspirin hay các thuốc chống đông máu khác trước khi làm thủ thuật nong mạch vành để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Bệnh nhân cũng có thể được yêu cầu không ăn uống gì sau nửa đêm trước ngày làm thủ thuật. Cũng nên hỏi ý kiến bác sỹ về các thuốc bệnh nhân thường dùng trong ngày làm thủ thuật. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được kiểm tra điện tâm đồ, X-quang ngực và công thức máu trước khi thực hiện nong mạch vành.

Asprin

4. Nong mạch vành được thực hiện như thế nào?

Nong mạch vành thường được thực hiện trong các bệnh viện lớn. Trước thủ thuật, bệnh nhân sẽ được đặt một đường truyền tĩnh mạch ở cánh tay. Bệnh nhân sẽ được truyền thuốc an thần nhưng vẫn được theo dõi liên tục.

Sau khi gây tê tại chỗ, một ống catheter sẽ được đặt vào động mạch đùi ở vùng háng hoặc đặt vào động mạch cánh tay ở mặt trong khuỷu tay. Từ vị trí này, catheter sẽ được luồn vào trong động mạch của bệnh nhân. Khi catheter đã vào trong lòng mạch, chất cản quang sẽ được bơm vào mạch, giúp bác sỹ thấy được hình ảnh bên trong lòng động mạch, nhằm xác định chính xác vị trí và mức độ tắc nghẽn của mạch máu. Các hình ảnh này được gọi là động mạch đồ và có nhiệm vụ làm bản đồ chỉ dẫn cho các bác sỹ để phá vỡ các nút tắc nghẽn.

Một kỹ thuật khác, được gọi: nong mạch vành bằng laser, sử dụng tia laser phát ra các sóng ánh sáng dao động làm tan các mảng xơ vữa. Bác sỹ cũng có thể bơm một bóng nhỏ (nong mạch vành bằng bóng) để ép các mảng xơ mỡ lắng đọng vào thành động mạch. Ngày càng có nhiều bác sỹ chọn phương pháp đặt một ống bằng lưới kim loại (stent) vào động mạch sau khi nong, để giúp giữ cho động mạch không hẹp lại trong thời gian dài sau đó.

Sau khi kết thúc thủ thuật, ống catheter ở hang hay ở cánh tay sẽ được rút ra và vị trí đặt catheter này sẽ được ép lại trong vòng 15 – 20 phút. Bệnh nhân sẽ được theo dõi trong phòng hồi sức từ 30 – 60 phút.

5. Nguy cơ và biến chứng

Bệnh nhân có thể có cảm giác bị đè ép và khó chịu trong lúc làm thủ thuật. Đối với 10 – 20% bệnh nhân, động mạch bị tái hẹp trong vòng 6 tháng sau khi nong. Hiếm khi gặp các biến chứng nặng như nhồi máu cơ tim, đột tử do tim hay phải phẫu thuật bắc cầu cấp cứu.

Tuy nhiên, nếu động mạch bị tắc lại sớm sau khi nong (tình trạng này gọi là đóng mạch máu đột ngột), bệnh nhân có thể cần phải thực hiện phẫu thuật bắc cầu cấp cứu.

6. cần chú ý gì sau nong mạch vành?

Tại vị trí đặt catheter cho bệnh nhân có thể bị bầm máu và đau nhân viên y tế sẽ tiếp tục theo dõi, và bệnh nhân cần nằm thẳng chân từ 6 – 8 tiếng đồng hồ. Bệnh nhân sẽ được cho uống nước và ăn lúc trở về phòng, cần báo cho y tá hay bác sỹ ngay lập tức nếu bệnh nhân cảm thấy khó chịu ở ngực sau khi làm thủ thuật.

Bệnh nhân có thể xuất viện sau 24 giờ và được hẹn lịch tái khám sau một thời gian nhất định.

Sau thủ thuật bệnh nhân không được mang vác vật nặng, không hoạt động gắng sức, không quan hệ tình dục nhất là trong những ngày đầu, đồng thời phải chú ý vị trí đặt catheter và uống thuốc đúng giờ. Hầu hết các bệnh nhân có thể làm việc trở lại bình thường sau 1 hoặc 2 ngày, cần liên lạc với bác sỹ ngay nếu thấy có hiện tượng chảy máu hay đau tại vị trí đặt catheter.

7. Có phương pháp điều trị nào khác nong mạch vành không?

Quyết định chọn cách điều trị tốt nhất cho động mạch vành bị tắc phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các yếu tố như tuổi của bệnh nhân, các bệnh lý cơ bản, vị trí và mức độ tắc nghẽn đều phải được xem xét trước khi kế hoạch điều trị được vạch ra. Nói chung, nong mạch vành ít nguy cơ hơn phẫu thuật.

Giới thiệu Dược sĩ Lưu Anh 398 bài viết
Dược sĩ Lưu Anh tốt nghiệp trường Đại học Dược Hà Nội hệ chính quy. Trường Đại học Dược Hà Nội là ngôi trường đào tạo Dược sĩ đầu tiên tại Việt Nam với bề dày kinh nghiệm và uy tín hàng đầu.