Contents
1. Có nhiều hướng để điều trị một bệnh tim mạch, nhưng áp dụng phương pháp nào còn tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh.
Nhiều bệnh nhân chỉ cần thay đổi lối sống, một số khác phải phối hợp thêm thuốc để điều trị. Những người bị bệnh động mạch vành nặng cần phải được phẫu thuật hoặc tạo hình động mạch vành. Trong mọi trường hợp, khi bị bệnh động mạch vành, việc điều trị phải kéo dài, vì thế bệnh nhân cần hết sức kiên trì.
Hiện tại có 3 phương pháp điều trị bệnh động mạch vành:
a. Điều trị nội khoa (dùng thuốc)
- Điều trị các yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành để bệnh không tiến triển nặng thêm: Điều trị tăng huyết áp, điều trị rối loạn lipid máu, điều trị đái tháo đường, bỏ hút thuốc lá, giảm cân nặng, đạt cân nặng lý tưởng, thay đổi lối sống.
- Điều trị phòng ngừa nhồi máu cơ tim cấp: Dùng các loại thuốc kháng kết dính tiểu cầu để phòng ngừa đông máu gây tắc mạch vành: aspirine, clopidogrel
- Điều trị chống cơn đau thắt ngực bằng các loại thuốc giãn mạch.
b. Điều trị can thiệp động mạch vành (nong rộng lòng động mạch, đặt khung giá đỡ trong lòng động mạch vành)
- Dùng cho các trường hợp đau ngực do thiếu máu cơ tim mà ít hoặc không đáp ứng với thuốc điều trị nội khoa.
- Dùng cho các trường hợp bị đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim cấp.
c. Điều trị phẫu thuật bắc cầu động mạch vành
- Dùng cho các trường hợp động mạch vành bị tổn thương nhiều vùng, tổn thương kéo dài và cho các trường hợp mà can thiệp động mạch vành không cho hiệu quả.
Đây là một phẫu thuật phức tạp, dùng các mạch máu khác của ngay chính bản thân bệnh nhân để làm cầu nối qua chỗ động mạch vành bị hẹp.
2. Một số phương pháp mới
Hiện nay các chuyên gia cũng nghiên cứu một số lĩnh vực mới trong điều trị bệnh xơ vữa động mạch vành, gồm:
- Liệu pháp gen: Sử dụng gen tạo ra các protein kích thích phát triển các mạch máu mới nuôi tim, phục hồi tưới máu cơ tim.
- Tái lập tuần hoàn cơ tim bằng laser: Nhằm điều trị các trường hợp hẹp hoặc tắc mạch vành nặng mà không thể điều trị bằng phẫu thuật tạo hình hay nối tắt động mạch vành. Laser tạo ra những rãnh rất nhỏ xuyên trực tiếp qua cơ tim để đưa máu đến vùng cơ tim bị thiếu máu cục bộ mà không thông qua các động mạch vành, bằng một kỹ thuật gọi là tái phân bố mạch máu xuyên da qua cơ.
3. Thay đổi thói quen sinh hoạt
Mặc dù hiện nay đã có nhiều tiến bộ y học trong điều trị bệnh xơ vữa động mạch vành, nhưng việc thay đổi lối sống với các thói quen hàng ngày vẫn luôn là một phương pháp hết sức hữu hiệu trong phòng ngừa, ngăn chặn cũng như ngăn chặn quá trình tiến triển của bệnh. Những thay đổi hàng đầu mà bạn cần phải thực hiện là:
- Thay đổi chế độ ăn: Nếu bạn bị bệnh xơ vữa động mạch vành cần hạn chế chất béo trong chế độ ăn – nhất là các loại mỡ bão hòa và hạn chế cholesterol, nhằm giảm nồng độ cholesterol máu – một nguyên nhân chủ yếu gây xơ vữa động mạch. Giảm cholesterol còn giúp ngăn ngừa những cơn nhồi máu tái phát trên những người đã từng bị nhồi máu cơ tim. Ăn ít mỡ giúp bạn giảm cân nặng cơ thể. Nếu bạn bị thừa cân, việc giảm cân nặng còn giúp giảm cholesterol máu. Ăn nhiều trái cây, rau xanh và ít nhất là hai bữa ăn có cá mỗi tuần cũng có thể giúp bạn giảm được nguy cơ nhồi máu cơ tim và giảm cân nặng.
- Tập thể dục cũng có lợi cho các bệnh nhân xơ vữa động mạch vành. Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh tập thể dục, cho dù ở mức độ vừa phải, khoảng 30 phút mỗi ngày, cũng có tác dụng rất tốt và giúp giảm tỷ lệ tử vong do bệnh xơ vữa động mạch vành. Tuy nhiên, bệnh nhân mạch vành nặng cần phải hạn chế thể dục ở một mức độ phù hợp. Nếu bị bệnh xơ vữa động mạch vành bạn cần phải được bác sỹ điều trị tư vấn cho loại hình thể dục nào là phù hợp cho mình.
- Thuốc lá là một yếu tố nguy cơ chủ yếu của bệnh xơ vữa động mạch vành. Ngưng hút thuốc lá làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim rõ rệt.