Phòng trị bệnh tiểu đường giảm nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch vành

Bệnh nhân bị tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch vành cao gấp 2 – 3 lần so với người bình thường.

Bệnh tiểu đường

 

Phần lớn các tổn thương mạch máu trong bệnh tiểu đường đều là hậu quả của sự rối loạn chuyển hóa lipid. Hiện tượng tăng đường huyết là một trong những nguyên nhân chính làm phát sinh bệnh và thúc đẩy bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Rối loạn chuyển hóa lipid nếu không được điều trị kịp thời sẽ làm phát sinh các mảng xơ vữa động mạch, dẫn đến tắc động mạch, thường là động mạch vành, động mạch cảnh và động mạch ngoại vi.

Với người bị tiểu đường, tiên lượng của bệnh lý mạch vành rất xấu, vì họ thường có chứng suy tim, suy thận kèm theo. Do đó, việc điều trị gặp nhiều khó khăn, nhất là khi sử dụng insulin trên bệnh nhân có suy thận.

Ở bệnh nhân tiểu đường, tổn thương mạch vành thường xuất hiện ở các nhánh nhỏ nên rất khó thực hiện nong mạch, làm cầu nối động mạch. Biểu hiện bệnh là có cơn đau thắt ngực khi gắng sức. Có bệnh nhân không hề biết mình bị tiểu đường cho đến khi có cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim.

Biến chứng tiểu đường

Để phòng ngừa biến chứng mạch vành cho bệnh nhân tiểu đường, phải bảo đảm các nguyên tắc: Kiểm soát đường trong máu thật chặt chẽ và thường xuyên bằng thuốc hạ đường huyết dạng uống hoặc tiêm; điều trị có hệ thống các rối loạn chuyển hóa chất béo đi kèm và ngừng hút thuốc lá, giảm cân nặng.

Bệnh nhân tiểu đường có thể bị tai biến mạch máu não với nguy cơ cao hơn người bình thường khoảng 2 lần. Diễn biến bệnh có thể từ từ hoặc đột ngột, gây hôn mê và liệt nửa người. Tổn thương hay gặp nhất là hẹp hoặc tắc động mạch cảnh do những mảng xơ vữa đi kèm. Bệnh nhân thường có những biểu hiện thiếu máu não trước khi bị tai biến như hay quên, chóng mặt, tri giác không được tốt… Trong trường hợp này bác sỹ sẽ cho người bệnh làm siêu âm Doppler mạch máu vùng cổ, từ đó có hướng điều trị thích hợp. Có thể phòng ngừa bằng cách sử dụng thuốc aspirin liều thấp 80 – 160mg một ngày.

Tổn thương mạch máu ngoại vi cũng là vấn đề thường gặp ở bệnh nhân tiểu đường. Trước kia, các nhà bệnh lý học cho rằng, chỉ những động mạch ngoại vi nhỏ bị tổn thương. Nhưng ngày nay, họ phát hiện rằng bệnh tiểu đường cũng làm tổn thương cả những mạch máu lớn ngoại vi như động mạch chậu, động mạch đùi, động mạch khỏe; dẫn đến thiếu máu nuôi các chi, đặc biệt là hai chi dưới. Ở bệnh nhân tiểu đường, tỷ lệ hoại tử chi tăng từ 8 – 150 lần so với người bình thường. Nam và nữ có tỷ lệ biến chứng như nhau, chiếm 25%.

Triệu chứng bệnh rất giống với viêm tắc động mạch do xơ vữa: Đau cách hồi (bị đau bắp chân khi đi lại nhiều, giảm khi ngồi nghỉ), đau chân ở tư thế nằm, chân lạnh và tím ở các ngón, teo cơ, cuối cùng là hoại tử khô và hoại thư ướt khi có nhiễm trùng.

Việc điều trị nối ghép mạch máu cho bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng động mạch ngoại vi rất khó thực hiện, tỷ lệ thành công không cao. Cách chữa cơ bản vẫn là kiểm soát tốt đường huyết, bỏ thuốc lá, điều trị những rối loạn trong chuyển hóa lipid, có chế độ ăn thích hợp…

Rất nhiều người bệnh cho rằng có những loại thuốc (đặc biệt là thuốc Nam) là những phương pháp điều trị có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh tiểu đường. Đó là một quan niệm sai lầm và rất nguy hiểm, khiến họ không tiếp tục điều trị khi thấy đường huyết đã tạm ổn định. Một thời gian sau, khi các biến chứng xuất hiện thì đã quá muộn.

Các chuyên gia khẳng định, tiểu đường là một bệnh mãn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể chặn đứng bằng chế độ ăn uống, luyện tập hợp lý, sử dụng thuốc kiểm soát đường huyết hằng ngày. Ngoài ra, phải theo dõi chặt chẽ, phát hiện sớm những biến chứng về mạch máu để đưa ra phương thức điều trị tốt nhất.

Giới thiệu Dược sĩ Lưu Anh 398 bài viết
Dược sĩ Lưu Anh tốt nghiệp trường Đại học Dược Hà Nội hệ chính quy. Trường Đại học Dược Hà Nội là ngôi trường đào tạo Dược sĩ đầu tiên tại Việt Nam với bề dày kinh nghiệm và uy tín hàng đầu.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*