Một số ví dụ về viên nén

  1. Viên nén Vitamin c

(Viên nén Acid Ascorbic, DĐVN II, tập 3, tr 39).

Acid ascorbic                           50mg.

Tá dược vđ                                1 viên.

viên nén vitamin c

Vitamin c dễ bị oxy hóa dưới tác động của ẩm, nhiệt, ánh sáng và ion kim loại.

Nếu tạo hạt ướt, nên dùng các tá dược dính lỏng khan nước như cồn PVP, cồn gelatin, cồn ethyl cellulose,… Tốt nhất là tạo hạt tầng sôi để giảm thời gian tiếp xúc của vitamin với ẩm và nhiệt.

Vitamin c có cấu trúc tinh thể đều đặn, có thể dập thẳng thành viên hoặc bao tinh thể dưới dạng viên nang rồi dập viên. Có khi người ta dùng dạng muối để dập viên.

Tính chất: Viên màu trắng hay ngà vàng, gần như không mùi.

Định lượng: Phương pháp đo iod. Viên nén vitamin c phải chứa 95 – 110% hàm lượng ghi trên nhãn.

Bảo quản: Tránh ẩm và ánh sáng, tránh để tiếp xúc với kim loại.

Hàm lượng thường dùng: 50 – 100 – 200 và 500 mg.

Ghi chú: Theo USP23, thời gian rã của viên nén vitamin c là 30 phút.

  1. Viên nén Ampicilin (DĐVN II, tập 3, tr. 52).

Ampicilin trihydrat

(tương đương với)                    250 mg ampicilin khan

Tá dược vừa đủ                        1 viên.

Ampicilin là kháng sinh không bền với ẩm và nhiệt. Khi xát hạt ướt, nên dùng tá dược dính lỏng khan nước.

Trên thị trường có bán sẵn loại hạt compact (chế tạo theo phương pháp cán ép) để đóng nang hay dập viên.

Hiện nay viên ampicilin thường được bao áo bảo vệ.                                   .

Tính chất: Viên màu trắng hay trắng ngà, gần như không mùi.

Định lượng: Phương pháp đo Iod. Viên nén Ampicilin phải chứa từ 95 – 105% hàm lượng ghi trên nhãn.

Bảo quản: Đựng trong lọ nút kín, để nơi mát, tránh ánh sáng trực tiếp.

Hàm lượng thường dùng: 250 – 500 mg.

Ghi chú: USP23 quy định thử độ hòa tan trong môi trường nước cất với máy 1, tốc độ 100 vòng / phút: Sau 45 phút phải có không ít hơn 75% dược chất hòa tan.

  1. Viên nén Paracetamol (DĐVN II, tập 3, tr. 2)

Paracetamol

Tá dược vừa đủ 1 viên.

Paracetamol là dược chất ít tan, tơi xốp, khó liên kết. Khi dập viên hay bị bong mặt, sứt cạnh. Khi xây dựng công thức dập viên, cần cho thêm một tỷ lệ các tá dược ít đàn hồi để cải thiện độ chịu nén của paracetamol như Avicel, lactose, tinh bột biến tính. Đồng thời phải kết hợp với tá dược rã làm cho viên rã mịn để tạo điều kiện hòa tan dược chất.

Tính chất: Viên màu trắng, không mùi

Định lượng: Đo quang ở bước sóng 257 nm.

Hàm lượng thường dùng: 100 – 300 – 500mg

Ghi chú: – USP23 quy định thử độ hòa tan trong môi trường đệm phosphat pH 6,8 với máy 2 quay ở tốc độ 50 vòng/ phút. Sau 30 phút phải có trên 80% dược chất hòa tan.

– Trên thị trường có rất nhiều biệt dược viên nén chứa paracetamol, kể cả viên sủi bọt như Efferalgan, Efferalgan- codein, Efferalgan-vitamin c,…

viên nén paracetamol

  1. Viên pha hỗn dịch Co – trimoxazol

(Dispersible Co – trimoxazole tablets, BP 1980, tr. 753).

Viên Co – trimoxazol chứa Sulphamethoxazol và trimethoprim theo tỷ lệ 5/1.

Để chế viên pha hỗn dịch, phải dùng các tá dược có khả năng gây thấm, tăng độ nhớ môi trường đồng thời làm cho viên rã mịn như Avicel, CMC, tinh bột biến tính, Tween,… Có thể chế dưới dạng sủi bọt làm cho viên rã nhanh.

Thời gian rã: 2 phút trong nước cất ở 20°C.

Định lượng: Sulphamethoxazol theo phương pháp đo điện thế. Trimethoprim: Đo quang ở 271 nm.

Hàm lượng mỗi dược chất phải nằm trong giới hạn 92,5 – 107,5% lượng ghi trong công thức.

Hàm lượng thường dùng: 400 mg sulphamethoxazol và 80 mg trimethoprim.

 

  1. Viên nén phụ khoa Nystatin

Nystatin 100 000 UI (22,7 mg).

Tá dược vđ 1 viên.

Nystatin là dược chất chống nấm có tác dụng mạnh với candida. Với viên đặt, tá dược độn có thể chọn lactose, dẫn chất cellulose. Viên thường được chế dưới dạng hình elip để dễ đặt. Có thể chế dưới dạng sủi bọt để tăng tác dụng của thuốc.

Đặt một viên trước khi đi ngủ, dùng 10 ngày liên tục.

Ghi chú: BP 1990 có dạng viên nén bọc đường chứa 500000 UI dùng để uống.

viên nén phụ khoa nystatin

Giới thiệu Dược sĩ Lưu Anh 398 bài viết
Dược sĩ Lưu Anh tốt nghiệp trường Đại học Dược Hà Nội hệ chính quy. Trường Đại học Dược Hà Nội là ngôi trường đào tạo Dược sĩ đầu tiên tại Việt Nam với bề dày kinh nghiệm và uy tín hàng đầu.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*