Viên ngậm

Viên ngậm là dạng viên dùng tại khoang miệng, thường được giữ lâu giữa má và lợi cho đến lúc viên tan hoàn toàn, nhằm gây tác dụng tại chỗ hay toàn thân.

Viên ngậm có thể được điều chế bằng phương pháp dập viên thông thường hoặc bằng phương pháp đổ khuôn giống như chế kẹo. Trên thực tế, kẹo ngậm chứa thuốc có hai loại: “kẹo cứng” chế với đường và “kẹo mềm” chế với tá dược gelatin.

kẹo ngậm ho

 

Ngoài những yêu cầu chung của viên nén, viên ngậm cần đáp ứng hai yêu cầu đặc trưng sau:

  • Giải phóng dược chất từ từ, kéo dài:

Viên ngậm khi dùng thường được giữ trong miệng từ 30 – 60 phút, giải phóng dược chất từ từ bằng cách “mài mòn dần” (hòa tan dần từ ngoài vào trong). Một số Dược điển quy định thời gian rã của viên ngậm là 4h.

  • Có mùi vị dễ chịu:

Do thời gian lưu lại ở khoang miệng khá lâu, lại cản trở sinh hoạt tự nhiên của người dùng, nên viên ngậm phải có mùi vị dễ chịu để được người dùng chấp nhận. Mặt khác, với viên ngậm, người ta cũng hạn chế dùng các tá dược không tan để tránh tạo ra cảm giác “sạn” khi ngậm, gây khó chịu cho người dùng. Các tá dược không tan cũng gây tăng tiết nước bọt, tạo ra phản xạ nuốt làm giảm tác dụng của thuốc.

Việc lựa chọn tá dược xây dựng công thức dập viên phải dựa trên đặc trưng của viên ngậm. Ba nhóm tá dược quan trọng nhất cho viên ngậm là: Tá dược độn, dính và điều hương vị.

Với tá dược độn: Trong viên ngậm, lượng tá dược thường chiếm 60 – 90% khối lượng của viên để che dấu mùi vị riêng của dược chất, do đó, tá dược độn phải là những chất tạo ra được mùi vị tốt cho viên, thường dùng nhất là bột đường như Dipac, Emdex, manitol, sorbitol.

Với tá dược dính, thường dùng những tá dược dính mạnh để kéo dài thời gian rã của viên như: Gôm arabic, gelatin, sirô…

Được lựa chọn tùy theo từng công thức cho phù hợp với tính chất và mùi vị của dược chất, với thói quen của người dùng. Trên thị trường, nhóm tá dược này được bán dưới hai dạng: dạng lỏng hoặc bột phun sấy.

Dạng lỏng có thể phun vào bột hoặc hạt dập viên. Tuy nhiên dùng như vậy sẽ bị hao hụt nhiều, khó phân phối đều vào các viên và làm giảm khả năng liên kết của viên khi dập. Để khắc phục, người ta có thể cho hấp phụ lên một tá dược hút thích hợp rồi phối hợp trước khi dập viên

Dạng bột phun sấy, dễ trộn đều với bột hoặc hạt trước khi dập viên, giữ được hương vị lâu trong quá trình bảo quản viên.

Viên ngậm được bào chế theo 2 phương pháp:

  • Phương pháp dập viên: Tiến hành dập thẳng hay tạo hạt như với viên nén thông thường. Viên ngậm thường có khối lượng lớn (1 – 4g) nên theo kinh nghiệm, thường phải khống chế tỷ lệ bột mịn (< 15%) để dễ đảm bảo biến thiên khối lượng của viên. Để kéo dài thời gian rã, viên ngậm được dập ở lực nén cao hơn viên nén thông thường (15 – 20kg), đồng thời hay được dập với các bộ cối chày đặc biệt tạo ra các hình dáng khác nhau (bán nguyệt, bát giác…) đặc trưng cho viên ngậm và hấp dẫn người dùng.
  • Phương pháp đổ khuôn: Áp dụng để chế dạng kẹo ngậm.

Việc đô khuôn, đầu tiên được tiến hành thủ công theo các bước: Tạo khối dẻo, đô khuôn, để nguội rồi tháo viên. Hiện nay có những máy chế viên tự động công suất hàng trăm nghìn viên trong một giờ, hoạt động theo nguyên tắc: Tạo khối dẻo, đùn sợi viên, tạo hình viên. Trên các thiết bị này có thể tạo ra viên hai lớp: nhân và vỏ có thành phần, mùi vị khác nhau để tăng hiệu quả điều trị và hấp dẫn người dùng.

viên ngậm

Phương pháp đổ khuôn tạo ra được loại kẹo thuốc có mùi vị thơm ngon, thích hợp với người bệnh, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên chỉ áp dụng được với các dược chất có mùi vị dễ chịu, khối lượng nhỏ và chịu được nhiệt.

Giới thiệu Dược sĩ Lưu Anh 398 bài viết
Dược sĩ Lưu Anh tốt nghiệp trường Đại học Dược Hà Nội hệ chính quy. Trường Đại học Dược Hà Nội là ngôi trường đào tạo Dược sĩ đầu tiên tại Việt Nam với bề dày kinh nghiệm và uy tín hàng đầu.