Hiện tượng đánh trống ngực

1. Đánh trống ngực là gì ?

Đánh trống ngực là một cảm giác hồi hộp khó chịu ở lồng ngực, thường gặp khi tim đập loạn nhịp hay khi tim đập mạnh hơn bình thường. Đôi khi người ta không tìm được bất thường nào ở tim của người có triệu chứng này – lý do đánh trống ngực của họ vẫn còn chưa được biết, ở một số bệnh nhân khác, chính loạn nhịp tim là nguyên nhân gây cảm giác hồi hộp này.

Đánh trống ngực

 

Loạn nhịp tim chỉ những nhịp đập bất thường của tim, như nhịp quá chậm, nhịp quá nhanh, nhịp không đều, nhịp đến sớm. Nhịp nhanh khi tim đập nhanh hơn 100 lần/phút, ngược lại nhịp chậm khi tim đập chậm hơn 60 lần/phút. Tim đập loạn nhịp còn được gọi là rung tim. Một nhịp tim đến sớm hơn bình thường thì đó là một lần bóp sớm của tim (còn được gọi là ngoại tâm thu).

Các nguyên nhân gây loạn nhịp tim được biết là các rối loạn của tâm nhĩ hoặc tâm thất, bất thường của nút xoang nhĩ, nút nhĩ thất.

Tim có bốn phần chính, đó là bốn buồng tim. Hai buồng tim nằm trên, là hai tâm nhĩ, hai buồng tim nằm dưới là hai tâm thất. Trong đó, nhĩ phải nhận máu từ hệ tĩnh mạch của cơ thể để đưa vào tâm thất phải sau đó thất phải tiếp tục bơm máu này lên phổi, nhĩ trái nhận máu đỏ mang oxy từ phổi rồi bơm vào thất trái, thất trái lại đưa máu này cung cấp cho toàn cơ thể.

Trong tim có một hệ thống phát nhịp và dẫn truyền riêng hoạt động dưới tác dụng của hệ thần kinh tự động, gồm nút xoang, nút nhĩ thất và các bó cơ tim biệt hóa riêng để làm nhiệm vụ dẫn truyền. Nút xoang chính là nút dẫn nhịp của tim nằm ở tâm nhĩ phải. Nút xoang phát xung điện, xung này truyền đến tâm nhĩ và thất để kích thích cơ tim co thắt (gây ra một lần đập của tim). Nút nhĩ thất là một phần cơ tim biệt hóa chuyên biệt, hoạt động như một “trạm nghỉ” của xung điện khi đi từ tâm nhĩ đến thất. Các xung điện từ nút xoang và từ tâm nhĩ đi đến thất phải đi qua nút nhĩ thất.

Nếu nhịp tim nhanh hoặc ngoại tâm thu xảy ra do bất thường điện học của tâm nhĩ thì gọi là nhịp nhanh nhĩ và ngoại tâm thu nhĩ, còn nếu do tâm thất thì gọi là nhịp nhanh thất và ngoại tâm thu thất.

Nhịp tim chậm thì lại có thể do nút xoang chậm phát xung, tình trạng này được gọi là nhịp chậm xoang. Ngoài ra, bất kỳ loại thuốc nào hay bệnh lý nào của đường dẫn truyền trong tim làm trì hoãn sự truyền xung (còn gọi là tình trạng “phong bế” tim) cũng có thể gây nhịp chậm.

Ngoại tâm thu là một nhát bóp “ngoại lai” gây ra bởi một xung động đột xuất và sớm hơn chu chuyển tim bình thường. Theo sau ngoại tâm thu là một khoảng nghỉ, đó là lúc hệ thống điện trong tim đang tự ổn định, điều chỉnh lại sau nhất bóp bất thường trước đó. Nhát bóp tiếp theo thường mạnh hơn, và chính nó gây cho bệnh nhân cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực.

2. Xử trí hồi hộp đánh trống ngực

Hồi hộp đánh trống ngực mà không do loạn nhịp hay bệnh lý nào của tim thì không đòi hỏi việc điều trị gì đặc hiệu. Có thể khuyên bệnh nhân tránh xúc động, hạn chế gắng sức khi có cơn đánh trống ngực.

Nếu do ngoại tâm thu, thì cơn hồi hộp có thể bớt khi hạn chế xúc động, ngưng hút thuốc, giảm uống rượu, cà phê. Vì nếu nồng độ adrenaline trong máu cao gây nhịp tim nhanh thì tránh stress có thể làm giảm nồng độ adrenaline.

Dùng thuốc ức chế beta cho những bệnh nhân có ngoại tâm thu hay nhịp tim nhanh dai dẳng, vì thuốc này phong bế tác dụng của adrenaline trên tim. Một số thuốc ức chế beta hay dùng là: propanolol (inderal), metoprolol (lopressor), atenolol (ternomin). Tác dụng phụ của thuốc gồm làm cơn hen nặng hơn, chậm nhịp tim, tụt huyết áp, trầm cảm, mệt mỏi, bất lực.

Đối với trường hợp nhịp nhanh nhĩ (rung nhĩ, cuồng nhĩ, nhịp nhanh kịch phát trên thất), thuốc ức chế kênh canxi như verapamin (calan), thuốc ức chế beta như propanolol (inderal), và digoxin (lanoxin) được sử dụng. Hiệu quả của thuốc là làm giảm tần số co bóp của thất, đưa nút trở về vai trò dẫn nhịp như bình thường. Nếu bệnh nhân nhịp nhanh nhĩ kéo dài, phải dùng thêm quinidine, procainamide (pronestyle) hay disopyramide (norpace). Nhưng những thuốc này dù để chữa loạn nhịp tim nhưng lại có độc tính trên tim, chúng có thể gây rối loạn điện sinh trên tim, gây nhịp nhanh thất rất nguy hiểm.

Nhịp tim thất thường

Vì nguyên nhân chủ yếu của loạn nhịp do tâm thất là nhồi máu cơ tim, thiếu máu cục bộ cơ tim (khuyết dưỡng), và do những sẹo cũ của cơ tim gây ra, nên việc điều trị bệnh xơ vữa động mạch vành rất quan trọng đối với những bệnh nhân này. Nếu bệnh kéo dài, cần dùng propanolol (inderal), sotolol (betapace), và amiodarone (cardarone). Khi bệnh nhân bị rung thất nguy hiểm đến tính mạng thì cần cấy máy tạo nhịp vào tim, máy này có khả năng phát ra những xung điện đều đặn, để đưa nhịp tim về bình thường.

Cần điều trị các bệnh lý căn bản của quả tim nếu có. Bệnh nhân có hẹp van động mạch chủ có thể tiến triển thành suy tim nếu có nhịp nhanh thất. Điều trị hẹp chủ bằng cách phẫu thuật tạo hình van hay thay van nhân tạo, có thể cải thiện tình trạng bệnh.

Một số bệnh nhân có thể choáng váng, nặng hơn thì hôn mê. Những chuyên gia này dùng một dụng cụ đặc biệt, kích thích tim đánh nhịp để nghiên cứu thật chi tiết tình trạng điện học của tim.

Giới thiệu Dược sĩ Lưu Anh 398 bài viết
Dược sĩ Lưu Anh tốt nghiệp trường Đại học Dược Hà Nội hệ chính quy. Trường Đại học Dược Hà Nội là ngôi trường đào tạo Dược sĩ đầu tiên tại Việt Nam với bề dày kinh nghiệm và uy tín hàng đầu.