Thuốc bột tuy là thuốc rắn, tương đối ổn định, nhưng như trên đã trình bày, do DTBM lớn nên dễ hút ẩm đi đến biến chất, nhất là với bột có nguồn gốc động vật hay thảo mộc. Do đó, thuốc bột phải được bảo quản kín, tránh ẩm.
-
Với bột không phân liều
Bột không phân liều thường là bột dùng ngoài, có thể đựng trong lọ rộng miệng hoặc túi polietylen hàn kín. Với loại bột để xoa, rắc, để ngửi, có thể đựng trong lọ 2 nắp có đục lỗ để tiện dùng (như phân rôm).
-
Với bột phân liều
Thuốc bột có thể được phân liều theo 3 cách:
- ước lượng bằng mắt:
Áp dụng trong bào chế nhỏ, pha chế theo đơn. Người ta cần một liều mẫu rồi dựa vào liều mẫu chia số bột còn lại thành các phần bằng nhau giống với liều mẫu. Mỗi lần chia không nên quá 20 liều. Sau khi chia xong nên cân kiểm tra lại một vài liều bất kỳ.
Phương pháp ước lượng bằng mắt này có độ chính xác không cao lắm nhưng nhanh nên được áp dụng rộng rãi trên thực tế với các thuốc bột không chứa dược chất độc.
- Dựa theo thể tích:
Người ta dùng các dụng cụ để đong như thìa, chén hoặc dụng cụ phân liều điều chỉnh được dung tích.
Cần một vài liều mẫu để ấn định dung tích dụng cụ phân chia rồi sau đó đong hàng loạt.
Phân liều theo thể tích không chính xác bằng phương pháp cân nhưng chính xác hơn phương pháp ước lượng bằng mắt.
- Dựa theo khối lượng:
Trong bào chế nhỏ người ta dùng các cân tay để phân liều, phương pháp này chính xác, nhưng tốn nhiều thời gian cho nên thường áp dụng với các thuốc bột có chứa dược chất độc.
Thuốc bột sau khi phân liều thường được gói từng liều vào các loại giấy gói. Tùy bản chất và lượng bột mà chọn các loại giấy gói cho thích hợp. Các gói bột riêng rẽ có thể được đóng tiếp vào túi giấy lớn hơn hoặc được bó thành bó có ghi nhãn.
Một số bột tương kỵ, bột có tác dụng mạnh dùng ở liều nhỏ có thể được đựng trong các loại vỏ nang thích hợp.
Trong sản xuất lớn, hiện nay người ta dùng máy đóng gói tự động. Thuốc bột phân liều được đóng trong túi nhôm hàn kín.