Bào chế bột kép nồng độ và bột pha dung dịch – hỗn dịch

  • Bột kép nồng độ:

Bột kép chứa các thành phần có khối lượng chênh lệch nhau quá nhiều sẽ khó phân tán đều các chất có khối lượng nhỏ trong toàn khối bột. Vì vậy, DĐVN I quy định, đối với các chất độc bảng A, bảng B nếu lượng
trong đơn nhỏ hơn 50mg thì phải dùng bột pha loãng (bột nồng độ). Thông thường với dược chất độc liều dùng ở hàng miligam người ta dùng bột pha loãng 1%, chất độc dùng ở liều hàng centigam, dùng bột pha loãng 10%. Tá dược pha loãng thường dùng là lactose vì lactose có ưu điểm là tương đối trơ về mặt hóa học và dược lí, ít hút ẩm, vị ngọt dễ chịu, dễ phối hợp đồng đều với dược chất độc. Để kiểm tra sự đồng nhất của khối thuốc bột, người ta cho thêm vào thành phần bột pha loãng 0,25 – 1% chất màu (thường dùng đỏ cacmin). Khi pha chế, chất màu được nghiền cùng với dược chất độc.

 

Thí dụ: Bột pha loãng atropin sulfat có thành phần như sau:

Atropin sulfat                          một gam.

Đỏ cacmin                               0,5g.

Lactose vđ.                              100,Og.

Nghiền mịn lactose, xúc ra giấy (để lại khoảng 1 gam để lót cối). Cho atropin sulfat và đỏ cacmin vào nghiền mịn. Sau đó cho thêm dần lactose vào nghiên trộn theo nguyên tắc đồng lượng. Cuối cùng rây lại qua rây. Đóng lọ thủy tinh rộng miệng, đậy kín. Bảo quản như dược chất độc nguyên chất. Trên nhãn có ghi nồng độ pha loãng, tá dược pha loãng đã dùng.

bột atropin sulfat

Bột pha loãng dùng làm chế phẩm trung gian để pha chế các bột kép có dược chất độc, giúp cho việc lấy dược chất độc được chính xác, thuận tiện hơn, giúp cho việc phân tán dược chất độc được đồng đều, dễ kiểm soát hơn.

  • Bột pha dung dịch – hỗn dịch

Với các dược chất ít bền, khó bảo quản ở dạng lỏng, người ta có thể chế thành dạng bột pha dung dịch hay hỗn dịch. Khi dùng, người dùng thêm dung môi hay chất dẫn, chuyển thành dạng lỏng dùng ngay. Trên thị trường hiện có các dạng bột để pha dung dịch, hỗn dịch hay siro. Nếu là bột pha hỗn dịch thì trong thành phần phải cho thêm chất gây thấm, chất ổn định. Bột pha siro thường chứa lượng lớn bột đường để làm ngọt, khi thêm nước, dược chất có thể tồn tại dưới dạng dung dịch hay hỗn dịch. Bột pha hỗn dịch hay pha siro thường được đóng trong chai, lọ có chứa dung tích để thêm nước vừa đủ khi dùng. Khi đóng gói. thường kèm theo dụng cụ phân liều (thìa, cốc chia vạch).

Bột pha dung dịch hay hỗn dịch có thể được chế dưới dạng sủi bọt để giảm bớt mùi vị khó chịu của dược chất và tăng cường hấp thu thuốc. Thành phần tá dược sủi bọt thường có acid hữu cơ (acid citric, tartric,…) và muối kiềm (natri carbonat, magnesi hydro carbonat…) để khi pha vào nước giải phóng CO tạo bọt. Khi bào chế bột sủi bọt phải tránh ẩm để phản ứng sủi bọt không xảy ra (trong pha chế nhỏ có thể gói riêng bột acid và bột kiềm). Bột sủi bọt có thể pha thành dung dịch hay hỗn dịch.

Thí dụ: Amodex 250 mg ; 500 mg: Dạng bột pha siro của hãng Bouchara

(Pháp).

bột pha siro amodex

Amoxicilin trihydrat -250 (hoặc 500) mg Bột đường

Chất thơm

Đóng 12 liều như trên trong chai 60 ml. Khi dùng thêm nước vừa đủ (60 ml), lắc đều. Phân liều 5 ml (chứa 250 hoặc 500 mg dược chất).

Giới thiệu Dược sĩ Lưu Anh 398 bài viết
Dược sĩ Lưu Anh tốt nghiệp trường Đại học Dược Hà Nội hệ chính quy. Trường Đại học Dược Hà Nội là ngôi trường đào tạo Dược sĩ đầu tiên tại Việt Nam với bề dày kinh nghiệm và uy tín hàng đầu.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*