Ảnh hưởng của tá dược đến sinh khả dụng viên nén

Có thể nói, viên nén là dạng thuốc dùng nhiều tá dược nhất. Mỗi loại tá dược trong viên nén đều có ảnh hưởng nhất định đến khả năng giải phóng, hấp thu dược chất của viên như đã phân tích ở phần tá dược.

-Tá dược độn:

Khi chiếm tỉ lệ lớn trong viên, tá dược độn quyết định tính chất cơ lý của hỗn hợp bột dập viên và của viên nén, đồng thời ảnh hưởng đến cơ chế giải phóng dược chất của viên. Dược chất dễ tan, khi dập viên với tá dược độn không tan, quá trình hòa tan khuếch tán sẽ diễn ra từ từ, do đó tốc độ hấp thu có thể sẽ xảy ra chậm hơn. Ngược lại, dập viên với tá dược dễ tan, quá trình giải phóng hòa tan dược chất có thể sẽ xảy ra nhanh hơn, làm tăng tốc độ hấp thụ.

tá dược độn

Thí dụ: Viên nén phenytoin khi thay tá dược độn dicalci phosphat bằng lactose đã gây ngộ độc cho bệnh nhân do tăng tốc độ hấp thu.

Mặt khác, tá dược độn dễ gây tương tác, tương kỵ với dược chất, làm giảm SKD của viên như: hấp phụ (bentonit, kaolin, dẫn chất cellulose…), tạo môi trường kiểm (calci carbonat, magnesi hydrocarbonat,…), thúc đẩy phản ứng oxy hóa dược chất do đưa ion kim loại vào viên (tale, tinh bột…).

  • Tá dược dính:

Với bản chất là những chất keo thân nước, tá dược dính làm tăng liên kết tiêu phân, tạo độ bền cơ học cho viên, do đó có xu hướng kéo dài thời gian rã của viên. Nhất là với những tá dược có khả năng kết dính mạnh như gôm arabic, dịch thể gelatin… Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong số các tá dược dính lỏng thì hồ tinh bột, dịch thể PVP ít ảnh hưởng nhất đến khả năng rã, giải phóng dược chất của viên. Với dược chất sơ nước, PVP còn có khả năng tạo ra vỏ thân nước, cải thiện tính thấm của dược chất, do đó làm tăng SKD của viên.

tá dược dính mật ong

Ngoài ra, tá dược dính lỏng còn đưa ẩm và nhiệt vào viên, làm giảm SKD của viên chứa dược chất nhạy cảm với âm và nhiệt. Có thể khắc phục bằng cách: Dùng tá dược dính lỏng khan nước, tạo hạt tầng sôi, tạo hạt khô hay dập thẳng.

  • Tá dược rã:

Theo quan điểm SDH, rã và hòa tan là 2 quá trình liên quan chặt chẽ với nhau, nhất là với viên nén chứa dược chất ít tan. Rã được coi là bước giải phóng, tiền đề cho bước hòa tan tiếp theo của dược chất. Từ lâu, trong bào chế quy ước, thời gian rã được xem là tiêu chuẩn bắt buộc của viên nén, quy định trong Dược điển.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy có những viên rã nhanh, chưa chắc dược chất đã được hòa tan và hấp thụ nhanh. Thực ra, khi tiếp xúc với môi trường hòa tan, quá trình hòa tan dược chất đã xảy ra trên bề mặt viên ngay khi viên chưa rã và tăng lên sau đó khi viên rã thành hạt. Nhưng phải đến lúc hạt rã thành tiểu phân thì tcTc độ hòa tan dược chất mới tăng lên đáng kể. Như vậy, không phải thời gian rã mà chính là mức độ rã mới là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tốc độ hòa tan dược chất. Vì mức độ rã liên quan đến diện tích bề mặt tiếp xúc của dược chất với môi trường hòa tan.

Dựa theo mức độ rã, người ta chia cách rã của viên thành 3 loại: Rã hạt to, rã hạt nhỏ và rã keo. Rã keo là rã đạt đến mức tiểu phân dược chất ban đầu. Trên thực tế, khó lòng đạt được cách rã như vậy. Trong bào chế viên nén, người ta thường phấn đấu để viên rã được thành các hạt nhỏ mịn, dễ dàng phân tán đồng nhất trong môi trường hòa tan tạo thành hỗn dịch đều khi lắc.

Cách rã liên quan đến độ xốp của viên. Tá dược rã ngoài có vai trò nhất định trong việc giúp cho hệ thống vi mao quản phân bố đồng đều trong viên.

Theo quan điểm SDH không phải bất cứ viên nén nào cũng đòi hỏi phải rã nhanh. Việc quy định thời gian rã cần thay đổi linh hoạt tùy theo từng loại viên. Với viên nén chứa dược chất dễ tan, dễ hấp thu thì việc rã và giải phóng dược chất từ từ có khi sẽ giảm bớt được tác dụng không mong muốn của thuốc.

  • Tá dược trơn:

Phần lớn tá dược trơn có bản chất sơ nước, làm cho bề mặt viên khó thấm nước, do đó có xu hướng kéo dài quá trình giải phóng, hòa tan của dược chất, tác động bất lợi tới SKD của viên.

Có thể hạn chế bớt ảnh hưởng tiêu cực của tá dược trơn tới SKD của viên bằng cách cho vào viên một tỉ lệ nhỏ chất diện hoạt (thường dùng 1% natri lauryl sulfat) để cải thiện tính thấm của viên và hạt.

Giới thiệu Dược sĩ Lưu Anh 398 bài viết
Dược sĩ Lưu Anh tốt nghiệp trường Đại học Dược Hà Nội hệ chính quy. Trường Đại học Dược Hà Nội là ngôi trường đào tạo Dược sĩ đầu tiên tại Việt Nam với bề dày kinh nghiệm và uy tín hàng đầu.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*