1.Khái niệm
Thuốc nang là một dạng thuốc liều bao gồm:
- Một vỏ rỗng để đựng thuốc (bằng tinh bột hoặc gelatin), gắn liền với thuốc và đưa vào cơ thể cùng với thuốc. Sau khi tan rã giải phóng thuốc, vỏ đựng được tiêu hóa trong cơ thể.
- Một đơn vị phân liều của dược chất đã được bào chế dưới các dạng thích hợp để đóng vào vỏ (bột, hạt, dung dịch, viên nén…).
Có thể quan niệm thuốc nang là hình thức trình bày đặc biệt của nhiều dạng bào chế khác nhau như: Dung dịch, viên nén, cốm thuốc…
Thuốc nang chủ yếu dùng để uống, ngoài ra còn dùng để đặt (nang đặt trực tràng, nang đặt âm đạo), hoặc để cấy dưới da.
2. Phân loại
Dựa theo thành phần của vỏ nang, thuốc nang được chia thành hai loại: 2.1. Nang tinh bột (viên nhện):
Thành phần chủ yếu của vỏ nang là tinh bột. Có loại gồm 2 nửa vỏ nang hình đĩa giống nhau, gắn với nhau bởi mép nang trông như trứng con nhện nên gọi là viên nhện. Có loại nắp to hơn đáy lồng khít vào nhau như một hộp kín. Nang tinh bột chủ yếu đựng bột thuốc. Do vỏ nang dễ hút ẩm, bảo vệ dược chất không tốt, nang lại to. khó nuốt nên hiện nay ít dùng.
Do tính chất cơ học của vỏ nang, nang thuốc được chia thành hai loại: Nang cứng và nang mềm.
- Nang mềm: vỏ nang mềm, dẻo dai do ngoài gelatin còn có một tỷ lệ lớn chất hóa dẻo.
Nang mềm do Mothes, một sinh viên người Pháp sáng chế vào năm 1834 bằng phương pháp nhúng khuôn. Sáu năm sau đó (1840) phương pháp ép khuôn giữa hai tấm kim loại được phát minh, và đến năm 1932 phương pháp này được cải tiến thành phương pháp ép giữa hai trục quay.
Nang mềm có nhiều hình dạng và dung tích khác nhau tùy theo phương pháp điều chế
- Nang cứng: vỏ nang cứng, gồm hai nửa đáy và nắp lồng khít vào nhau. Nang cứng có 8 cỡ, có dung tích từ 0,13-0,36 ml
Cỡ nang | 5 | 4 | 3 | 2 | 1 | 0 * | 00 | 000 |
Dung tích nang (ml) | 0,13 | 0,20 | 0,27 | 0,37 | 0,48 | 0,67 | 0,95 | 1,36 |
Nang cứng do một dược sĩ người Pháp Lehuby phát minh vào năm 1846. Hiện nay nang cứng được sản xuất rộng rãi bởi nhiều hãng sản xuất vỏ nang nổi tiếng như Eli Lily và Parke Davis (Mỹ). Các hãng này chỉ sản xuất vỏ nang, còn bào chế thuốc đóng vào nang là nhiệm vụ của các nhà bào chế.