Các thành phẩm bào chế nói chung và dung dịch thuốc nói riêng theo nguồn gốc công thức thuốc được chia làm hai loại:
- Thuốc sản xuất theo lô lẻ với số lượng lớn theo quy trình sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng đã được đăng ký với Cục quản lý Dược.
- Thuốc bào chế theo đơn của bác sĩ.
Thuốc sản xuất theo lô, có ưu điểm là cung ứng được số lượng lớn thuốc cho người bệnh, chất lượng của thuốc được kiểm soát chặt chẽ theo lô sản xuất, nhưng có nhược điểm là không thể hoàn toàn phù hợp cho việc điều trị từng bệnh nhân do có thể trạng khác nhau.
Thuốc bào chế theo đơn của bác sĩ, do thành phần và liều lượng các dược chất được thay đổi tùy theo thể trạng từng bệnh nhân, nên đem lại hiệu quả điều trị tốt hơn. Tuy nhiên, việc bào chế theo đơn đòi hỏi người dược sĩ phải có kiến thức và kỹ thuật bào chế cũng như ý thức trách nhiệm cao để đảm bảo chất lượng của thành phẩm.
- Nguyên tắc cần phải thực hiện khi pha chế theo đơn
Kiểm tra đơn thuốc đảm bảo đúng các quy chế và không sai sót về chuyên môn với một số nội dung như sau:
- Trong đơn thuốc cần ghi rõ tên, tuổi, địa chỉ bệnh nhân, lưu ý tháng tuổi của bệnh nhân trẻ em.
- Tên dược chất, khối lượng chỉ định pha chế (nồng độ, hàm lượng trong đơn thuốc).
- Liều lượng chỉ định, đường dùng, cách dùng đảm bảo an toàn hợp lý.
- Thành phần và chỉ định của đơn thuốc có vi phạm các vấn đề tương tác thuốc hay không.
- Chức danh, địa chỉ và chữ ký của người kê đơn.
- Ngày kê đơn (ngày ký tên trên đơn thuốc).
- Mẫu đơn thuốc có đảm bảo tính hợp pháp theo quy chế hiện hành hay không.
- Người pha chế cần thực hiện đúng kỹ thuật bào chế, chú ý đảm bảo đúng quy chế về nhãn và vật liệu bao gói.
Lưu đơn thuốc, vào sổ theo dõi để đảm bảo công tác theo dõi quản lý, thanh tra của cơ sở pha chế cũng như của các cơ quan chức năng quản lý của ngành.