Giải pháp giảm bệnh tim mạch ở nữ giới nên biết

Contents

Phụ nữ và bệnh lý tim mạch

Người phụ nữ hiện đại ngày nay chịu áp lực từ công việc rất lớn, lại ít luyện tập thể dục – thể thao nên thường xuyên bị stress. Thêm vào đó là lối sống có quá nhiều nguy hại đến sức khỏe như ăn nhiều thức ăn nhanh, dư thừa năng lượng, ăn nhiều bột đường, chất béo, mỡ động vật, đồ uống có ga, lạm dụng rượu bia, thuốc lá…

Kết hợp với yếu tố sinh lý của cơ thể, nữ giới ngày càng đi dần về trạng thái thay đổi nội tiết do sinh sản, rồi nội tiết giảm dần ở thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh, tạo điều kiện cho bệnh lý tim mạch nhất là bệnh mạch vành phát triển như tăng huyết áp, xơ mỡ động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy tim…

Muốn phòng bệnh tim mạch một cách hiệu quả, nữ giới cần áp dụng một số giải pháp sau:

1. Tránh thừa cân, béo phì

Hiện tượng thừa cân hay béo phì là nguy cơ trực tiếp đối với sự tăng cholesterol. Đây là quá trình tích lũy mỡ dưới da ở vùng bụng, mông, hông và tăng lượng triglycerit, khiến cho tim phải làm việc nhiều hơn để nuôi khối tế bào to lớn của cơ thể, lâu ngày dẫn đến tim bị suy yếu.

Vì vậy việc phòng chống thừa cân béo phì qua cân bằng chế độ ăn uống là việc làm hết sức cần thiết, cần duy trì chỉ số BMI từ 18,7 đến 23,8 (BMI = W/D2) trong đó W là cân nặng cơ thể tính bằng kilôgam và D là chiều cao được tính bằng mét.

Để làm được điều này, cần duy trì chế độ ăn hợp lý, đủ no, đủ chất, thức ăn đa dạng là điều quan trọng đầu tiên. Hạn chế ăn mặn, khoảng 1g muối mỗi ngày và không nên vượt quá 6g/ngày. Tăng cường dùng các thức ăn có chứa nhiều vitamin E, C, A, B6, B12, acid folic và acid béo không no omega-3 (có trong các loại cá biển như cá hồi, cá thu…) để bảo vệ thành mạch máu trước nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa. Tăng cường ăn các thức ăn có chứa nhiều nguyên tố vi lượng như kẽm, kali (có nhiều trong cam, chuối).

Ăn những chất béo thay mỡ động vật có nhiều trong các loại dầu ôliu, dầu vừng, lạc, hướng dương. Rau quả hay sản phẩm có nhiều chất xơ cũng là một lựa chọn tốt. Nên dùng đậu tương vì thực phẩm này có vi chất tương tự như hormon ostrogen, có vai trò duy trì ổn định cholesterol trong máu. Hạn chế tối đa thịt mỡ, da động vật và các đồ ăn có chứa nhiều cholesterol như trứng gia cầm, tim gan động vật, bơ, kem, sôcôla…

2. Phòng chống stress trong cuộc sống

Trong sự phát triển bệnh lý tim mạch, stress là nguyên nhân không kém phần quan trọng. Trong trạng thái stress, huyết áp và nhịp tim tăng cao, làm tăng gánh nặng cho tim, tăng huyết áp động mạch, tăng sự ảnh hưởng lên thành phần hóa học của máu, tăng hàm lượng cholesterol, thúc đẩy phát triển xơ vữa động
mạch. Vì thế hãy cố gắng sắp xếp công việc hợp lý, để có thời gian thư giãn, giải trí… Tranh thủ đi nghỉ mát, thay đổi không khí, đầu óc tinh thần thoải mái sẽ giúp giảm thiểu stress và tốt hơn cho hệ tim mạch.

3. Hạn chế rượu bia và thuốc lá

Ngày nay, các nhà khoa học đã nghiên cứu và kết luận rằng, nếu ta uống nhiều rượu thì có hại cho sức khỏe, làm cho tim đập nhanh hơn, có thể dẫn đến thiếu máu ở cơ tim, loạn nhịp tim, nặng hơn là nhồi máu cơ tim, rất nguy hiểm đến tính mạng, ở bệnh nhân cao huyết áp, rất dễ dẫn đến tai biến mạch máu não, liệt nửa người, nặng hơn là hôn mê gây tử vong…

Thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch, bệnh xơ vữa động mạch vành, bệnh mạch máu ngoại vi, tăng huyết áp, vì chất nicotine trong thuốc lá làm mạch máu co hẹp, cản trở sự lưu thông của máu, và tăng các yếu tố làm đông máu, hậu quả là các bệnh tim mạch, tai biến động mạch não dễ dàng xảy ra.

4. Giải pháp vận động bằng thể dục thể thao

Trước hết, bạn nên chọn phương pháp phù hợp cho sức khỏe, điều kiện thời gian lẫn kinh tế. Đi bộ, chạy bộ,
đạp xe, chơi cầu lông hay tennis… đều có thể lựa chọn tùy theo khả năng của bạn nhưng phải tập ít nhất 30 phút mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu cho rằng, vận động cơ bắp sẽ xúc tác được insulin chuyển hóa được lượng đường ở ngoại vi, giảm được tính đề kháng của insulin, giúp bạn hạn chế đái tháo đường. Vận động giúp bạn có thể kiểm soát được cân nặng của cơ thể, đặc biệt làm giảm cholesterol và triglycerictrong máu, làm máu huyết lưu thông tốt, tăng sức chịu đựng của cơ thể, loại bỏ các năng lượng dư thừa, tăng cường hô hấp, kiểm soát nhịp tim…

5. Tầm soát phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm nhất

Tầm soát phát hiện bệnh

Kiểm tra sức khỏe tổng quát theo định kỳ là giải pháp tốt nhất để phát hiện bệnh sớm nhất. Khoảng 6 tháng một lần, nên kiểm tra tim mạch, đo mạch huyết áp, đo điện tim, xác định lượng đường mỡ trong máu…

Tóm lại, bệnh tim mạch nhất là bệnh mạch vành được xem là bệnh gây tử vong hàng đầu của thế kỷ XXI. Do đó những kiến thức cơ bản về bệnh cần được phổ cập để mọi người đều biết, đặc biệt là nữ giới, để có thể phòng bệnh hoặc phát hiện bệnh sớm mà điều trị kịp thời, tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 17,5 triệu người trên thế giới tử vong do bệnh tim mạch, chiếm tỷ lệ 30% tổng số người tử vong trên toàn cầu. Theo ước tính của các nhà y học Mỹ, mỗi năm có hơn nửa triệu nữ giới ở Mỹ tử vong do bệnh tim mạch. Còn ở Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch khá cao và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ Việt Nam.

Giới thiệu Dược sĩ Lưu Anh 398 bài viết
Dược sĩ Lưu Anh tốt nghiệp trường Đại học Dược Hà Nội hệ chính quy. Trường Đại học Dược Hà Nội là ngôi trường đào tạo Dược sĩ đầu tiên tại Việt Nam với bề dày kinh nghiệm và uy tín hàng đầu.