Dược chất là thành phần quyết định tác dụng điều trị hay phòng bệnh trong một công thức thuốc.
Yêu cầu về chất lượng của dược chất dùng để pha chế – sản xuất thuốc tiêm phải đạt độ tinh khiết (vật lý, hóa học và vi sinh học) cao hơn so với cùng dược chất đó nhưng dùng trong các dạng thuốc khác. Để tránh ô nhiễm từ môi trường, dươc chất dùng pha thuốc tiêm thường được đóng gói với những đơn vị có khối lượng đủ dùng cho một mẻ pha chế.
Cần tập hợp đầy đủ các thông tin về: cấu trúc hóa học, các tính chất vật lý (dạng thù hình, độ tan, tính hút ẩm…), các tính chất hóa học và độ ổn định (sự thủy phân, oxy hóa, quang hóa, racemic hóa…) của dược chất, trên cơ sở đó mới có thể lựa chọn được dung môi và các chất thích hợp cần thêm vào thành phần của thuốc tiêm.
Muốn pha thuốc tiêm vào mạch máu, dược chất nhất thiết phải hòa tan hoàn toàn trong nước. Đối với các thuốc tiêm dưới da hay tiêm bắp, thể tích tiêm một lần thường hạn chế từ 1 đến một vài mililít, do vậy cần chọn dược chất ở dạng có khả năng hòa tan tốt trong dung môi. Nếu dược chất có độ tan thấp trong dung môi thì có thể dùng hỗn hợp dung môi hoặc pha dưới dạng thuốc tiêm hỗn dịch.Dược chất chỉ được hấp thu vào máu từ dạng dung dịch, do vậy độ tan của dược chất vẫn là yếu tố quyết định dược chất có được hấp thu hay không được hấp thu từ liều thuốc đã tiêm.
Một dược chất có thể tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau (dạng acid hay base tự do. cũng có thể ở dạng muối, ở dạng kết tinh hay vô định hình, ở dạng khan hay ngậm nước…). Các dạng khác nhau của cùng một dược chất thường có độ tan trong nước khác nhau, độ ổn định dưới tác động của môi trường cũng rất khác nhau. Do đó. phải chọn dược chất ở dạng vừa có độ tan thích hợp. vừa ổn định trong dạng thuốc.
Trong trường hợp dược chất không ổn định khi pha ở dạng dung dịch nước thì cần bào chê thuốc tiêm ở dạng bột vô khuẩn bằng phương pháp kết tinh vô khuẩn, phun sấy vô khuẩn hoặc bào chế thành thuốc tiêm đông khô.