Cách chọn tá dược dính để bào chế viên tròn

Thường dùng các loại sau:

Contents

Nước:

Dùng trong trường hợp dược chất có thể hòa tan hay trương nở trong nước tạo ra khả năng dính nhất định. Thường dùng trong thuốc hoàn bào chế theo phương pháp bồi viên để gây nhân hay chế loại hoàn nhỏ (thủy hoàn). Trong một số trường hợp, nước được phối hợp với các tá dược dính lỏng khác như glycerin, siro, mật ong, … để điều chỉnh độ dính.

Mật ong:

Khả năng dính tốt, điều vị và kết hợp được với tác dụng của dược chất. Thường dùng cho hoàn mềm có tác dụng bổ khí, nhuận phế, giải độc… Dùng làm tá dược dính cho hoàn mềm, mật ong dễ đảm bảo được thể chất nhuận dẻo của viên.

viên tròn nghệ mật ong

Để tinh chế và tăng khả năng dính, người ta thường tiến hành “luyện mật”: Cho thêm vào mật ong khoảng 20% nước, đun sôi, lọc qua gạc để loại bớt tạp chất cơ học. Sau đó cô cách thủy cho đến lúc thành “châu” (nhỏ giọt mật vào cốc nước lạnh, giọt mật không tan trong nước). Tùy theo mức độ luyện mà người ta chia ra 2 loại mật: Mật non, luyện ở khoảng 105°c, còn chứa khoảng 20% nước và mật già luyện ở khoảng 110°c cho đến hàm lượng nước dưới 10%.

Siro đơn:

Độ dính vừa phải, dễ phối hợp với dược chất, không ảnh hưởng nhiều đến khả năng tan rã, giải phóng dược chất của viên, có khả năng điều vị.

siro đơn

Cao dược liệu:

Là thành phần có tác dụng dược lý, do đó thường kết hợp vai trò dược chất và tá dược trong các công thức thuốc hoàn bào chế theo phương pháp bồi viên. Thông thường, người ta chọn các dược liệu khó nghiền bột (dược liệu nhiều xơ sợi, dược liệu dẻo dính) chế thành cao lỏng để làm tá dược bồi viên. Như vậy sẽ đơn giản hóa được công thức bào chế, nâng cao được hàm lượng hoạt chất trong viên và giảm được lượng viên trong một lần dùng.

Với viên chia, người ta có thể dùng một số cao mềm không có tác dụng dược lý riêng (như cao mềm cam thảo) làm tá dược dính.

Hồ tinh bột:

Dùng làm tá dược dính trong viên tròn tây y bào chế theo phương pháp chia viên và chế hồ hoàn theo phương pháp chia viên hoặc bồi viên. Hồ tinh bột có thể phối hợp với các loại tá dược dính khác như dịch thế gelatin, siro gôm, … Hồ tinh bột phải chế dùng ngay để tránh vi cơ xâm nhập.

Dịch thể gelatin:

Thường dùng loại dịch thể 5 – 20% trong nước, thích hợp cho các loại dược chất khô, rời, khó kết dính hoặc những viên cần tan rã giải phóng dược chất chậm. Tuy nhiên, dịch nước có nhược điểm là làm cho viên khó sấy khô, do đó có thể dùng dịch thể gelatin trong cồn như trong viên nén.

Dịch gôm:

Thường dùng dịch gôm arabic 5 – 10% trong nước cho những viên có dược chất khó kết dính hoặc cho những viên có chất lỏng khó phân tán trong khối bột. Dịch gôm hay được phối hợp để làm tăng độ dính của một số tá dược khác như glycerin, hồ tinh bột…

Tá dược dính tổng hợp:

Dùng các loại tá dược hay dùng trong viên nén như dịch thể CMC, NaCMC, PVP,… Các loại tá dược này dễ giải phóng dược chất, nhưng trong một số trường hợp có những tương kỵ nhất định với dược chất. Thí dụ: Metyl cellulose tương kỵ với phenol, tanin, dung dịch kiểm đặc,…

Trong một số trường hợp, trong công thức viên tròn chứa các dược chất lỏng, mềm, ít khả năng dính, người ta có thể dùng một số tá dược dính thể rắn để tạo khối dẻo như bột đường, bột gôm. bột PVP …

Giới thiệu Dược sĩ Lưu Anh 398 bài viết
Dược sĩ Lưu Anh tốt nghiệp trường Đại học Dược Hà Nội hệ chính quy. Trường Đại học Dược Hà Nội là ngôi trường đào tạo Dược sĩ đầu tiên tại Việt Nam với bề dày kinh nghiệm và uy tín hàng đầu.