Mặc dù nước mắt có men lysozym có tác dụng kháng khuẩn nhẹ, nhưng khả năng ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn từ môi trường vào mắt cũng rất hạn chế. Nếu nhỏ vào mắt một chế phẩm thuốc nhỏ mắt không vô khuẩn thì có thể gây ra nhiễm khuẩn nghiêm trọng ở mắt.
Có nhiều loại vi sinh vật có thể gây nhiễm khuẩn cho mắt như: Staphylococcus aureus, Proteus vulgaris, Bacillus subtilus, nấm Aspergillus fumigatus và nguy hiểm nhất là trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa, trực khuẩn này có thể gây loét giác mạc hoàn toàn và gây mù trong vòng 24 – 48 giờ.
Để đảm bảo an toàn trong sử dụng, các thuốc nhỏ mắt phải là các chế phẩm vô khuẩn, được pha chế trong điều kiện môi trường, thiết bị vô khuẩn và phải được tiệt khuẩn sau khi pha chế bằng một phương pháp tiệt khuẩn thích hợp. Cho dù đã được tiệt khuẩn những thuốc nhỏ mắt thường được đóng gói với thể tích dùng nhiều lần mới hết một đơn vị đóng gói. Chính do cách sử dụng đặc biệt này nên nguy cơ thuốc nhỏ mắt bị nhiễm khuẩn từ môi trường sau mỗi lần nhỏ thuốc rất cao. Để giữ cho thuốc luôn vô khuẩn, trong thành phần của thuốc nhỏ mắt bao giờ cũng có thêm một hay nhiều chất sát khuẩn (trừ trường hợp có chống chỉ định), chất sát khuẩn có sẵn trong thuốc có tác dụng diệt ngay các VI sinh vật ngẫụ nhiên rơi vào thuốc sau mỗi lần nhỏ. Nhưng dù đã có thêm chất sát khuẩn thì cũng không nên dùng những lọ thuốc sau khi đã mở nắp quá một tuần kể từ lần mở nắp đầu tiên vì lượng chất sát khuẩn có trong lọ thuốc có giới hạn.
-
Contents
Yêu cầu đối với chất sát khuẩn dùng trong thuốc nhỏ mắt
- Có phổ sát khuẩn rộng, có tác dụng tốt với trực khuẩn pseudomonas aeruginosa.
- Có hoạt tính cả khi đã tiệt khuẩn trong nồi hấp, trong quá trình bảo quản thuốc và trong khi sử dụng thuốc.
- Có tác dụng diệt khuẩn nhanh ngay khi thuốc bị tái nhiễm khuẩn.
- Không độc, không gây dị ứng, không gây kích ứng mắt.
- Không tương kỵ với các thành phần khác có trong thuốc.
- Hòa tan tốt trong dung môi để pha thuốc nhỏ mắt.
- Bền vững về mặt hóa học, không bị biến màu.
Nói chung, không có chất sát khuẩn nào đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu đã nêu. Do vậy, trong bào chế cần phải xem xét kỹ đặc tính của chất sát khuẩn và đặc tính của các thành phần khác có trong công thức mà chọn chất sát khuẩn thích hợp cho công thức thuốc nhỏ mắt đó.
-
Một số chất sát khuẩn thường dùng
Benzalkonium clorid:
Là một chất sát khuẩn có tác dụng diệt khuẩn mạnh và nhanh nên được dùng trong nhiều dung dịch thuốc nhỏ mắt (có khoảng 60% các thuốc nhỏ mắt lưu hành trên thị trường có chất sát khuẩn này). Benzalkonium clorid thường dùng phối hợp cùng với dinatri edetat có tác dụng loại các ion Ca++, Mg++ ra khỏi màng tế bào vi khuẩn, làm tăng khả năng thấm của benzalkonium clorid vào trong tế bào vi khuẩn, làm tăng hiệu quả diệt khuẩn của benzalkonium clorid.
Benzalkonium clorid bền vững trong một giới hạn pH khá rộng nhưng hiệu lực sát khuẩn giảm khi dung dịch có pH < 5. Benzalkonium clorid là một cation nên tương kỵ với các dược chất anion như salicylat, nitrat, natri fluorescein, natri sulfacetamid và natri sulfamethoxypiridazin, tạo ra các phức hợp ít tan và kết tủa trong dung dịch. Benzalkonium clorid có tính hoạt động bề mặt nên nó vừa có tác dụng sát khuẩn vừa có tác động làm tăng tính thấm của giác mạc đối với dược chất trong thuốc nhỏ mắt, tăng khả năng hấp thu được chất qua giác mạc. Benzalkonium clorid thường được dùng làm chất sát khuẩn trong thuốc nhỏ mắt với nồng độ 0,01 – 0,02%.
Các hợp chất thủy ngân hữu cơ:
Các hợp chất thủy ngân hữu cơ như thimerosal, phenyl thủy ngân acetat (PMA) và phenyl thủy ngân nitrat (PMN) dùng thích hợp cho các thuốc nhỏ mắt có được chất anion.
PMA và PMN có hoạt tính sát khuẩn tương đối yếu và tác dụng chậm, tác dụng tốt trong các dung dich có pH trung tính hay kiềm, khá bền vững, không gây kích ứng cho mắt. Tương kỵ với các ion halogen tạo thành dạng muối không tan và bị giảm hiệu lực sát khuẩn. Dùng thuốc kéo dài nhiều ngày có thể để lại cặn thủy ngân kim loại ở mắt. PMA và PMN thường được dùng với nồng độ 0,002 – 0,004%
Thimerosal vừa được dùng riêng như là một dược chất vừa được dùng trong thuốc nhỏ mắt như là một chất sát khuẩn. Thimerosal tan tốt hơn, bền vững hơn các muối phenyl thủy ngân và không gây cấn thủy ngân ở mắt. Thimerosal dùng tốt cho các dung dịch có pH trung tính hay kiềm. Thimerosal tương kỵ với acid boric, dinatri edetat, muối kim loại nặng và nhiều alcaloid. Thimerosal thường được dùng với nồng độ 0,01 – 0,02%.
Clorobutanol:
Alcol này được dùng làm chất sát khuẩn cho một vài thuốc nhỏ mắt. Dùng tốt cho các thuốc nhỏ mắt có pH < 5, ở pH này clorobutanol bển vững ở nhiệt độ phòng, nhưng khi hấp trong nồi hấp (20 – 30 phút) khoảng 30% clorobutanol có trong thuốc bị thủy phân tạo ra acid hydrocloric làm giảm pH của dung dịch và như vậy có thể tác động đến độ ổn định của dược chất. Clorobutanol ít tan trong nước, độ tan tối đa khoảng 0,7% và tan chậm, đun nóng làm tăng tốc độ tan nhưng một phần clorobutanol sẽ bị phân huỷ. Clorobutanol thấm qua chất dẻo, do vậy không nên dùng bao bì bằng chất dẻo để đựng thuốc nhỏ mắt có clorobutanol. Thường dùng clorobutanol với nồng độ 0,5%.
Alcol phenyl etylic:
Alcol phenyl etylic có hoạt tính sát khuẩn yếu, dễ bay hơi, thấm qua chất dẻo và mất dần hiệu lực trong quá trình bảo quản, ngoài ra nó còn gây cảm giác rát bỏng mắt, chính những đặc tính này đã hạn chế phạm vi sử dụng của nó. Tốt nhất là dùng kết hợp với các chất sát khuẩn khác như benzalkonium clorid, các muối phenyl thủy ngân hay clorobutanol, khi dùng kết hợp như vậy sẽ làm tăng tác dụng sát khuẩn và giảm được kích ứng do giảm được nồng độ của alcol phenyl etylic. Thường dùng alcol phenyl etylic với nồng độ 0,5%.
Clohexidin acetat:
Ít độc hơn benzalkonium clorid và thimerosal, không gây kích ứng mắt. Nó có tác dụng tốt đối với các vi khuẩn gram (+) nhưng không có tác dụng với nhà , ít tác dụng với pseudomonas nhưng có thể làm tăng tác dụng bằng cách dùng phối hợp với dinatri edetat, tác dụng tốt trong môi trường trung tính hay kiểm. Thường dùng chohexidin acetat với nồng độ 0,01%,.
Các paraben:
Hay dùng là methyl và propyl ester của acid parahydroxybenzoic. Tác dụng chủ yếu của các paraben là diệt nấm, song tác dụng diệt nấm của chúng cũng không mạnh vì nhiều loại nấm vẫn sống trong dung dịch đậm đặc của 2 ester này, chỉ ở nồng độ cao chúng mới có tác dụng yếu với vi khuẩn. Nói chung, các paraben ít được dùng do chúng ít tan trong nước và gây cảm giác rát bỏng ở mắt khi nhỏ thuốc. Thường dùng kết hợp methyl ester 0,03 – 0,1% và propyl ester 0.01 – 0,02%.