Là cách bao truyền thống, áp dụng từ lâu trong viên nén với nơi bao quay tròn. Bao đường trải qua các giai đoạn sau:
-
Contents
Bao nền:
Nhằm làm tròn góc cạnh của viên và giảm bớt độ dày lớp bao. Để bao nền được nhanh, tốt nhất là viên bao phải có mặt lồi (dập bằng chày lõm).
Trước khi bao, phải cho viên vào nồi quay trong một khoảng thời gian nhất định để loại những viên không đảm bảo độ bền cơ học. Sàng loại bỏ bột và viên vỡ (viên đưa bao phải dập chắc hơn viên thông thường).
Bột bao nền thường là các tá dược trơ như tinh bột, calci carbonat, bột talc, bột đường,…
Tá dược dính là dịch thể có độ nhớt cao như sirô đơn, sirô gôm, dịch thể gelatin, dịch thể PVP,…
Cho viên vào nồi bao, sấy nóng viên, cho tá dược dính vào cho thấm đều viên và tiến hành bao từng lớp một, vừa bao viên vừa sấy cho đến lúc phủ nhẵn hết các góc cạnh của viên (khoảng 8-10 lớp bao).
Với các dược chất dễ bị hỏng bởi ẩm và nhiệt, trước khi bao nền, cần bao một lớp cách ly để hạn chế nước từ tá dược dính lỏng thấm vào viên. Lớp bao cách li thường là các polyme khó thấm nước như shellac, eudragit, polyvinyl acetat phthalat,…
-
Bao nhẵn:
Làm nhẵn mặt viên để chuẩn bị cho bao màu. Giai đoạn này chỉ bao bằng siro nóng (khoảng 60 – 70°C). Cho từng ít một siro vào viên, cho viên quay cho thấm đều vào viên rồi sấy khô. Cứ tiếp tục bao như vậy cho đến lúc mặt viên nhẵn.
-
Bao màu:
Bao viên bằng các lớp siro màu có cường độ màu tăng dần. Từ trước, người ta dùng các chất màu tan được trong siro. Bao bằng các chất màu này hay bị loãng và khó đảm bảo đồng nhất giữa các lô. Hiện nay người ta dùng các chất màu không tan bao dưới dạng hỗn dịch, màu dễ đồng nhất và bền hơn.
-
Đánh bóng
Cho viên vào nồi đánh bóng, làm nóng viên rồi thêm các tá dược làm bóng như parafin, sáp ong, sáp Carnauba, zein, PEG,… ở dạng rắn hay dạng dung dịch, quay cho đến lúc mặt viên nhẵn bóng. Việc đánh bóng có thể thực hiện trong nồi bao hoặc nồi đánh bóng. Nồi đánh bóng có cấu tạo hình trụ, thành nồi được khoan thủng và phía trong lót nỉ.