Thuốc tiêm truyền được dùng trong điều trị với nhiều mục đích khác nhau:
- Cung cấp nước và các chất điện giải khi cơ thể bị mất nước và mất chất điện giải.
- Cung cấp các nhu cầu về chất dinh dưỡng cho cơ thể khi người bệnh không ăn uống được. Trong trường hợp này có thể truyền các dung dịch đường glucose, íructose, các dung dịch acid amin, nhũ tương dầu béo kiểu D/N kết hợp với các vitamin, các chất khoáng và các nguyên tố vi lượng.
- Trung hòa và thiết lập lại cân bằng acid * kiềm của máu khi máu bị nhiễm acid hay nhiễm kiềm do rối loạn chuyển hóa hay do rối loạn chức năng.
- Bổ sung tạm thời thể tích huyết tương nhằm duy trì huyết áp và hoạt động của hệ tuần hoàn khi cơ thể bị mất máu mà không có máu để truyền.
- Lợi niệu khi cơ thể ở trạng thái giữ nước.
- Chống đông và bảo quản dùng trong lưu trữ máu tươi.
- Dùng như là môi trường trung gian hay “chất mang” đối với nhiều thuốc tiêm khác, khi đó thuốc tiêm sẽ được phối hợp với một dung dịch thuốc tiêm truyền thích hợp ngay trước khi truyền cho người bệnh. Việc phối hợp các thuốc tiêm với thuốc tiêm truyền được áp dụng khá phổ biến trong điều trị do rất thuận tiện, đặc biệt là khi cần duy trì nồng độ dược chất trong máu hằng định ở mức nồng độ có hiệu lực điều trị trong khoảng thời gian dài. Nhưng nếu sự phối hợp thuốc không tương hợp với nhau thì có thể gây ra những tai biến nguy hiểm trong điều trị.
Sự không tương hợp khi phối hợp thuốc tiêm với một dung dịch tiêm truyền có thể do thay đổi pH của dung dịch, độ tan của dược chất hoặc tương tác hóa học. Ví dụ: Erytromycin sẽ không ổn định khi phối hợp với một dung dịch tiêm truyền có pH < 6. Natri ampicilin sẽ không tương hợp với dung dịch glucose 5% có pH < 5 và mất hoạt tính rất nhanh nhưng lại tương hợp nếu pha với dung dịch glucose 5% có pH > 5 (Dung dịch tiêm truyền glucose có thể có pH từ 3,5 đến 6,5 tùy theo tiêu chuẩn mà nhà sản xuất áp dụng), tốt nhất là nên phối hợp natri ampicilin với dung dịch tiêm truyền natri clorid 0,9% có pH gần trung tính.
Sự không tương hợp khi phối hợp một hay nhiều thuốc tiêm với một dung dịch thuốc tiêm truyền nào đó có thể nhận biết được xuất hiện kết tủa, vẩn đục, sinh khí hay biến màu dung dịch; nhưng cũng có khi không nhìn thấy được như sự thay đổi pH hoặc nồng độ dược chất trong dung dịch do quá trình thủy phân, oxy hóa hay tạo phức, mà chỉ có thể phát hiện được nhờ các phương pháp phân tích thích hợp; ngoài ra còn có thể có sự không tương hợp về mặt tác dụng dược lý.
Trong một chừng mực nào đó có thể dự đoán được tương dựa vào tính chất hóa học của dược chất có liên quan. Ví dụ: Natri phenobarbital sẽ kết tủa dưới dạng acid tự do nếu phối hợp thuốc tiêm phenobarbital với một dung dịch tiêm truyền có pH acid. Thuốc tiêm calci clorid sẽ kết tủa khi phối hợp với dung dịch tiêm truyền natri hydrocarbonat. Thuốc tiêm diazepam kết tủa khi pha với dung dịch nước, do diazepam rất ít tan trong nước…
Để giảm thiểu sự không tương hợp khi sử dụng thuốc tiêm truyền làm môi trường trung gian đưa thuốc vào cơ thể cần tuân theo một số nguyên tắc:
- Chỉ phối hợp ngay trước khi tiêm truyền và chỉ truyền khi không phát hiện thấy bất kỳ sự thay đổi nào về mặt cảm quan của thuốc.
- Không nên phối hợp nhiều thuốc tiêm khác nhau trong cùng một dung dịch tiêm truyền.
- Tuyệt đối không phối hợp thuốc có tương đã được chỉ ra trong các tài liệu chuyên môn.
- Tốt nhất chỉ nên phối hợp khi đã có kết quả nghiên cứu về sự tương hợp.