SKD của nang thuốc trước hết phụ thuộc vào việc rã của vỏ nang trong đường tiêu hóa. Do cấu tạo chủ yếu là gelatin nên vỏ nang rã rất nhanh trong dịch vị. Chỉ sau khi uống 1-5 phút vỏ nang gelatin cứng hoặc mềm đều rã trong dạ dày, thường là thủng ở hai đầu nang. pH dịch vị càng thấp, vỏ nang rã càng nhanh. Nang bảo quản lâu, vỏ nang lão hóa thời gian rã kéo dài hơn nang mới điều chế.
-
Sinh khả dụng của nang cứng:
–Nang cứng chủ yếu chứa bột hoặc hạt do đó SKD phụ thuộc kích thước tiểu phân dược chất nhất là các dược chất ít tan trong nước. Giảm kích thước tiểu phân thường làm tăng tốc độ hòa tan do tăng diện tích bề mặt tiếp xúc giữa dược chất với môi trường hòa tan. Tuy nhiên nếu bột được phân chia quá mịn thường có xu hướng kết tụ lại làm cho khối bột khó thấm nước.
Các tá dược độn với khối lượng lớn có ảnh hưởng đáng kể đến khả năng thấm của khối bột trong môi trường hòa tan. Thường với dược chất sơ nước các tá dược độn thân nước như tinh bột biến tính, lactose… có thể cải thiện tính thấm của dược chất. Ngược lại với các dược chất dễ tan, các tá dược ít tan như calci phosphat có tác dụng điều hòa sự hòa tan và hấp thu dược chất. Ví dụ: Phenytoin đóng nang với tá dược độn lactose có thể đạt nồng độ trong huyết tương cao hơn 4-5 lần so với dùng tá dược độn calci phosphat.
Các tá dược trơn đưa vào công thức để làm tăng khả năng trơn chảy của khối bột cũng có ảnh hưởng đến khả năng thấm nước của khối bột vì đa số các tá dược trơn đều sợ nước.
Ngoài ra, độ xốp của khối bột do sử dụng các máy đóng nang có mức độ lèn chặt khối bột khác nhau cũng ảnh hưởng đến SKD của nang thuốc. Người ta thường khắc phục bằng cách đưa thêm vào công thức các chất gây thấm, chất diện hoạt với tỷ lệ 0,1-0,5%.
Với hạt hay viên nén đóng nang SKD phụ thuộc vào tá dược rã, tá dược độn, tá dược dính dùng khi xát hạt (xem SKD viên nén).
-
SKD của nang mềm:
Nang mềm chứa các dược chất thân nước hòa tan hay phân tán trong chất dẫn thân nước như PEG, dược chất dễ trộn đều với dịch vị, dễ giải phóng và hòa tan. Nếu dược chất tan trong acid thì SKD đạt cao do dược chất hòa tan ngay tại môi trường acid của dịch vị. Nếu dược chất không tan trong acid thì đầu tiên sẽ tủa lại trong dạ dày dưới dạng hỗn dịch mịn, nhưng sau đó do bề mặt tiếp xúc giữa tiểu phân và môi trường hòa tan lớn nên cũng nhanh chóng được hòa tan và hấp thu.
– Nếu dược chất là dầu, hòa tan hay phân tán trong dầu dưới dạng nhũ tương, việc hấp thu một phần có thể xảy ra trực tiếp trong ống tiêu hóa qua hệ bạch huyết. Còn đa phần thì phải có thời gian chuyển từ pha dầu sang pha nước của dịch tiêu hóa. Thời gian này phụ thuộc độ nhớt của dầu, chất nhũ hóa hay gây thấm trong dạng bào chế, men và muối mật trong dịch vị và dịch ruột. Nói chung bề mặt tiếp xúc giữa hai pha là lớn nên quá trình hòa tan nhanh, do đó nang mềm thường có sinh khả dụng cao.