Nên có những tác động tích cực vào yếu tố gây bệnh mạch vành

Ở các nước công nghiệp phát triển, tỷ lệ mắc bệnh xơ vữa động mạch vành ở độ tuổi 30 – 39 là 0,9%, 50 – 59 tuổi trên 30% và trên 60 tuổi trên 50%,ở Việt Nam tỷ lệ bị bệnh xơ vữa động mạch vành là 9,5%.

Xơ vữa động mạch vành

Các yếu tố nguy cơ chính của bệnh xơ vữa động mạch vành gồm hút thuốc lá, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, thiếu vận động, di truyền, giới tính, tuổi, và 3 yếu tố nguy cơ bổ sung là bệnh tiểu đường, béo phì, stress. Trong mười yếu tố đó, trừ các yếu tố di truyền, giới tính, tuổi tác, con người có thể tác động được vào các yếu tố còn lại để giảm nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch vành.

Hút thuốc có liên quan đến hơn 30 bệnh khác nhau trong đó có bệnh ung thư, bệnh phổi và bệnh tim mạch. Người hút thuốc có nguy cơ bị mắc bệnh xơ vữa động mạch vành cao hơn gấp hai lần so với người không hút thuốc, hút thuốc được coi là yếu tố nguy cơ lớn nhất gây bệnh xơ vữa động mạch vành, đột tử. Bỏ hút thuốc là cách quan trọng để giảm nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch vành.

Hút thuốc lá

Tăng huyết áp có thể được điều chỉnh bằng cách dùng thuốc. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp có thể giảm huyết áp bằng việc tập luyện rèn sức bền thường xuyên với các bài tập: đi bộ nhanh, chạy việt dã, đạp xe và chế độ ăn uống hợp lý theo định hướng giảm cân (giảm chất béo, ăn nhạt, ăn nhiều rau, hoa quả).

Tình trạng tiền cao huyết áp cũng nguy hiểm không kém. Các nhà khoa học Mỹ cho biết, mặc dù tiền cao huyết áp liên quan đến tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và bệnh xơ vữa động mạch vành, nhưng sự liên quan không có ý nghĩa thống kê với tỷ lệ đột quỵ.

Báo cáo lần 7 của ủy ban Liên tịch Quốc gia về Phòng ngừa, Phát hiện, Đánh giá và Điều trị Cao huyết áp đã nêu ra một cách phân loại mới về huyết áp ở người trưởng thành được gọi là tiền cao HA, khi HA: 120 – 139/80 – 89mmHg.

Đánh giá tác dụng lâu dài trên nguy cơ bệnh tim mạch, Adnan Qureshi thuộc Đại học New Jersey ở Newark và cộng sự đã thu thập các số liệu về xuất độ nhũn não do xơ vữa, đột quỵ, nhồi máu cơ tim và bệnh xơ vữa động mạch vành ở 5.181 đối tượng trong nghiên cứu Framingham.

Trong tổng số 11.116 người được theo dõi trung bình trong 9,9 năm, tỷ số tai biến não ở xơ vữa ở người tiền cao huyết áp là 0,6%, so với 3,6% ở các đối tượng cao huyết áp. Sau khi xem xét các yếu tố như tuổi, giới, béo phì, tiểu đường, tăng cholesterol máu, hút thuốc lá và thời gian nghiên cứu, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng nguy cơ tương đối của ung não do xơ vữa ở bệnh nhân tiền cao huyết áp là 2,2 nhưng con số này không có ý nghĩa thống kê.

Trong tổng số 11.082 người được theo dõi trong 9,7 năm, tỉ lệ nhồi máu cơ tim ở nhóm tiền cao huyết áp và cao huyết áp lần lượt là 3,2% và 10,3%.

Đối với bệnh xơ vữa động mạch vành, trong số 11.570 người được theo dõi, tỉ lệ tai biến ở nhóm tiền cao huyết áp và cao huyết áp lần lượt là 6,8% và 17,7%.

Khi nhóm nghiên cứu phân tích các dữ kiện về giới, họ nhận thấy rằng tiền cao huyết áp kết hợp với việc tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim gấp 4,4 lần và có khả năng tăng nguy cơ bệnh xơ vữa động mạch vành gấp 3,4 lần ở nam.

Nhóm nghiên cứu kết luận rõ ràng, nghiên cứu này gợi ý rằng tiền cao huyết áp là một yếu tố nguy cơ đối với nhồi máu cơ tim và bệnh xơ vữa động mạch vành.

Tăng cholesterol máu có thể được điều chỉnh bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập luyện thể dục thể thao và dùng thuốc. Cách đơn giản nhất là giảm cholesterolmáu nhờ tập luyện thể dục thể thao kết hợp ăn uống hợp lý, hạn chế tối đa  sử dụng các thức ăn có chứa nhiều cholesterol như trứng, thịt mỡ, giò, xúc xích, dầu dừa, dầu cọ, nên sử dụng nhiều thức ăn có chứa vitamin E, vitamin C và beta-carotine. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, các vitamin này có tác dụng chống lão hóa, giảm xơ vữa động mạch. Không nên ăn quá 3 quả trứng/tuần và phải ăn cách ngày (trong 1 quả trứng đã đủ nhu cầu về cholesterol của cơ thể trong ngày – 250mg), đổi ăn thịt bằng cá. Ăn cá rất tốt cho sức khỏe, cá không những là nguồn cung cấp chất đạm quý giá, mà còn cung cấp cho cơ thể các vitamin A, D, E, B12, B6, đặc biệt là trong mỡ cá có rất nhiều acid béo omega- 3 có tác dụng giảm hàm lượng cholesterol máu, cản trở phát triển xơ vữa động mạch, nuôi dưỡng não, cải thiện thị lực (acid béo omega-3 đặc biệt có nhiều trong cá thu, cá ngừ, cá trích, cá hồi).

Cuộc sống tĩnh tại ít vận động cũng cần được thay đổi tích cực. Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, chủ yếu với các bài tập rèn sức bền như đi bộ nhanh, chạy bước nhỏ, đạp xe đạp, bởi với lượng vận động hợp lý và tập thường xuyên làm giảm đáng kể nguy cơ bị mắc bệnh xơ vữa động mạch vành. Trong một nghiên cứu ở Mỹ thấy rằng, chỉ cần đi bộ nhanh 20 – 30 phút/buổi, với tần số 3 – 5 buổi/tuần đã có hiệu quả tốt giảm nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch vành. Tập luyện thể dục thể thao rèn sức bền thường xuyên còn ảnh hưởng đến các yếu tố nguy cơ khác của bệnh xơ vữa động mạch vành như giảm huyết áp, giảm hàm lượng cholesterol xấu, tăng hàm lượng cholesterol có ích và giảm cân.

Kiểm soát cân nặng, đái tháo đường và stress: Với chế độ ăn giảm calories và giảm chất béo, tăng cường ăn các loại rau quả có chứa các vitamin – antioxidant như: C, E và beta Carotine, kết hợp tập thể dục thể thao rèn sức bền thường xuyên (đặc biệt là đi bộ nhanh, chạy cự ly dài) sẽ giúp cho cơ thể giảm đáng kể lượng mỡ thừa – giảm cân. Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên còn giảm nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường loại 2, giảm các yếu tố gây xơ vữa động mạch, giảm cân ở những người bị thừa cân; điều hòa lượng đường glucose trong máu do cải thiện khả năng sử dụng glucose của hệ thống cơ bắp.

Để kiểm soát ảnh hưởng của stress đối với cơ thể, mỗi chúng ta cần biết cách giảm các nguồn gây stress, điều hòa cuộc sống, và sử dụng các kỹ thuật thư giãn như các bài tập thở, tăng thời gian ngủ nghỉ, tập luyện thể dục thể thao, đi du lịch, thăm thú bạn bè.

Nguy cơ mắc bệnh tim mạch nói chung và bệnh xơ vữa động mạch vành nói riêng có thể được kiểm soát bằng cách tác động lên các yếu tố nguy trên, cụ thể là: hút thuốc, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, cuộc sống tĩnh tại ít vận động, bệnh tiểu đường, béo mập, stress, nhờ dùng thuốc, chế độ ăn uống hợp lý, tập luyện thể dục thể thao rèn sức bền thường xuyên với liều lượng phù hợp, hạn chế các thói quen có hại, biết cách kiểm soát stress và tạo cho bản thân một cuộc sống thoải mái.

Giới thiệu Dược sĩ Lưu Anh 398 bài viết
Dược sĩ Lưu Anh tốt nghiệp trường Đại học Dược Hà Nội hệ chính quy. Trường Đại học Dược Hà Nội là ngôi trường đào tạo Dược sĩ đầu tiên tại Việt Nam với bề dày kinh nghiệm và uy tín hàng đầu.